post-image

3 điều cản trở dân công nghệ viết blog

1. Tổng quan

Trong những câu chuyện trà đá của tôi với anh em đồng nghiệp, có một chủ đề ai cũng đồng ý là nên làm nhưng thực tế chỉ có số ít anh em thực hiện được. Đó là viết blog công nghệ.

Những người viết blog tôi rất nể vì cho rằng họ là những “kẻ thức thời”. Gần đây, sau rất nhiều ngày tháng đấu tranh với việc dành thời gian để cày game hoặc để ngủ, thì tôi đã bắt đầu viết blog. Khó, thực sự khó. Nó không đơn giản dừng lại ở câu chuyện đưa những dòng code vô hồn lộ diện, hay những sự cố rời rạc không đầu không cuối, vv. Dần dần những hòn đá tảng bắt đầu xuất hiện và thách thức tôi vượt qua.

Những hòn đá tảng

Thứ nhất, tôi không biết bắt đầu từ đâu…

Trở ngại đầu tiên đó là nội dung. Tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu? Đi theo dòng thời gian, từ những ngày đầu vào nghề, hay đi từ những vấn đề cơ bản đến phức tạp hoặc là những bài tản mạn về các chủ đề trong đời sống công nghệ?

Hoang mang thực sự, tôi không biết bài viết của mình liệu có đủ chất lượng và được mọi người đón nhận hay bị ném đá đến tơi tả.  

Sau dần, tôi cũng biết cách lựa chọn nội dung cho các bài viết của mình.

Một là, mạnh cái gì viết cái đấy. Đó là các bài về chuyên môn của mình, ví dụ như cách sử dụng hàm trong ngôn ngữ lập trình, hướng dẫn cách giải quyết 1 issue, hướng dẫn cài đặt tool, kinh nghiệm săn bug,…

Hai là, các bài viết non-technique nhưng vẫn nằm trong chủ đề technique giống như bài viết này đây, lưu ý, nó vẫn thuộc về các chủ đề mà mọi người quan tâm. Viết trên trời dưới bể nhưng không ai đọc chẳng khác nào, một người nghệ sĩ không có công chúng. Mãi rồi cũng sẽ chán mà bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng, việc viết lách có sứ mệnh cao cả là lan tỏa giá trị cho cộng đồng.

Đừng lo là không có gì để viết bởi vì công nghệ như một cánh đồng rộng mênh mông, càng chăm chỉ cày cuốc càng gặt hái được nhiều thành quả.

Thứ hai là dốt văn

Điểm yếu chí cốt của trai ngành đó là văn vẻ. 9/10 ông khi nhắc đến viết blog sẽ gạt đi ngay lập tức với lý do vô cùng thuyết phục đó là “dốt văn”. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý. Mỗi lần bắt đầu gõ phím tôi luôn bị tâm lý, văn thô ý thiển, câu đơn thì đơn giản quá mà câu ghép thì lằng nhằng. Văn xuôi lủng củng, ý tứ rời rạc. Viết xong mình không hiểu được, người khác làm sao hiểu. Đôi khi ý mình muốn một đằng mà người đọc hiểu một nẻo là toang rồi.

May mắn thay, ít nhất tôi cũng nhận ra điểm yếu của mình là thiếu ngôn từ. Tôi coi việc viết lách là cơ hội để hoàn thiện khả năng ngôn ngữ của mình. Chẳng khác nào, trong nguy có cơ. Có một điểm quan trọng là, cần đặt mình vào vai trò người đọc để truyền tải hết những gì mình muốn nói. Tôi cũng hạn chế dùng các thuật ngữ hoặc dùng nó nhưng dẫn link giải thích để độc giả hiểu được. Vì tôi nghĩ rằng, độc giả có quyền được hiểu một cách hệ thống đồng thời cũng là để tăng chất lượng bài viết lên.

Thứ ba là không có thời gian

Trung bình một người tạm gọi là có kinh nghiệm nếu viết blog cũng sẽ tốn khoảng 1-2 giờ ngồi liên kết kiến thức, tìm hiểu số liệu, viết bài, code minh họa, vv,…

Mỗi người mỗi ngày chỉ có 24 giờ, tính ra, 8 – 10 giờ đã cày cuốc bục mặt ở công ty rồi, còn thời gian cho gia đình, bạn bè, nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí, lấy đâu ra thời gian ngồi viết lách. Ngẫm cũng đúng. Có những hôm tôi ngồi viết đến 1-2 giờ sáng, quá mệt mỏi.

Thực tế, mỗi người đều có một quỹ thời gian như nhau, có nhiều người luôn cảm thấy bận rộn nhưng cũng có nhiều người lại rất thảnh thơi. Điểm khác biệt đó chính là kỹ năng quản lý thời gian.

Riêng đối với việc viết lách, tôi xác định đó là việc có ích đối với mình. Nó giúp tôi tổng hợp lại kiến thức và kinh nghiệm, nâng cao được giá trị bản thân. Và quan điểm của tôi là, việc gì có ích thì mình làm. Thời gian đầu, tần suất viết bài của mình khoảng 1-2 bài/tuần. Cứ mỗi cuối tuần, tôi dành thời gian review lại các công việc, sự kiện xảy ra trong tuần, rút ra kinh nghiệm và tổng hợp thành bài viết. Nguyên liệu thì có rồi, cuối tuần dành vài tiếng xào nấu là ra món ăn ngon. Sau quen dần, viết lách nhanh hơn, tư duy tốt lên, tôi hình thành thói quen mỗi ngày một bài viết. Đó là cách duy trì sự hứng thú trong guồng quay lặp đi lặp lại hàng ngày.

Đẩy tảng đá đi là thấy cả bầu trời

Blog là cái bóng của chính mình. Có những góc khuất, những câu chuyện đằng sau sự trưởng thành của mỗi người nhưng không phải ai cũng biết và thấu hiểu, ngay cả khi, đó là người luôn bên cạnh mình.

Hãy mạnh dạn lên tiếng và chia sẻ, để ít nhất, người bên cạnh mình có thể hiểu được mình đang trải qua điều gì. Đẩy tảng đá đi, bạn sẽ thấy được cả bầu trời nhẹ nhõm.

Nguồn:codelearn.io

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.