4 Thói Quen Xấu Giết Chết Năng Suất Của Lập Trình Viên
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Jack Canfield từng nói: “Các thói quen của bạn sẽ quyết định tương lai của bạn.”
Không ai hoàn hảo cả, và ai trong chúng ta cũng đều có những thói quen xấu. Tuy nhiên, có những thói quen xấu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc của bạn, thậm chí là ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Nếu bạn muốn phát triển trong ngành lập trình, hãy bạn phá bỏ những thói quen xấu của mình để năng suất của bạn có thể tăng lên đáng kể. Dưới đây là những thói quen xấu ngăn cản các lập trình viên hoàn thành tốt công việc của mình.
1. Nói “Có” với tất cả mọi thứ
Nói “Có” khi ai đó nhờ vả có nghĩa là bạn là một người tốt bụng và sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhưng đôi khi vì cả nể mà nhận lời sẽ tạo nên bất lợi cho bạn. Vì vậy, mình sẽ không nói là bạn không nên giúp đỡ người khác, nhưng đừng để điều đó giết chết năng suất làm việc của bạn. Chúng ta chỉ có 8 tiếng một ngày để làm việc, và hầu như bạn đã estimate khối lượng công việc của bạn đủ cho 8 tiếng rồi. Vậy nên khi bạn nói “Có” với ai đó, hãy chắc chắn bạn sẽ không phải nói “Không” với chính mình. Hãy đảm bảo bạn vẫn sẽ giữ năng suất của mình khi giúp đỡ hay làm giúp phần việc của người khác. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi từ chối đề nghị của ai đó, hãy dành một thời điểm cụ thể trong ngày để giúp đỡ những người khác. Điều đó có nghĩa là thời gian còn lại, bạn có thể thực sự chú ý vào cộng việc của mình. Điều này cũng là tạo điều kiện cho đồng nghiệp của bạn có cơ hội suy nghĩ kỹ hơn để tìm giải pháp cho vấn đề thay vì “nhân tiện nhờ vả” bạn.

2. Định nghĩa sai về “hoàn thành” trong công việc
Định nghĩa “hoàn thành” của các lập trình viên sẽ khác với những người khác, bởi vì lập trình viên sẽ có cả một tỉ thứ phải làm. Nếu bạn nghĩ là một nhà lập trình chỉ cần hoàn thành đoạn code cho một tính năng thì bạn đã sai rồi. Khi bạn nghĩ bạn đã code xong một tính năng nào đó, hãy xét những điều sau:
- Bạn đã cấu trúc lại code của bạn chưa? Và nếu code của bạn quan trọng, bạn có nghĩ rằng các Dev khác có hiểu nó không? Nếu câu trả lời cho một trong những câu hỏi trên là không – hãy sửa lại code!
- Tài liệu thì sao? Có cần thiết cho tính năng này? Bạn đã cho miêu tả cụ thể các điều kiện để tester có thể kiểm tra chưa? Có điều kiện tiên quyết nào mà tester cần biết không?
- Và cuối cùng, bạn đã tự tay kiểm tra lại code của mình hoạt động như thế nào chưa?
Thế mới nói, “hoàn thành” công việc với một lập trình viên là không hề đơn giản. Hãy thực sự kiểm tra code của mình kỹ càng để có thể hoàn thành nó một cách đúng nghĩa.
3. Không tự test lại code của mình
Test code không phải là công việc chính của một lập trình viên, vì vậy nhiều người sẽ thấy lười khi làm việc này. Tuy nhiên, có những lỗi bạn chỉ cần xem lại code của mình là có thể tìm ra, và sửa chỉ trong vài giây. Nhưng bạn lại giao nó vào tay của một tester, vì vậy sẽ mất thời gian để tester report lại cho bạn, bạn sửa, và tester lại phải kiểm tra nó một lần nữa. Nếu bạn cảm thấy test càng nhiều bạn càng mất thời gian làm việc khác thì đó là một quan niệm sai lầm. Suy cho cùng, bạn sẽ chỉ mất thời gian làm quen với việc check lại code sao cho đúng thôi. Sau này khi bạn đã quen với nó, việc kiểm tra lại code sẽ giảm thời gian sửa lại cho toàn bộ quá trình code của bạn.

4. Không biết cách đào sâu vấn đề
Có lỗi xảy ra, nghĩa là chúng ta có thể tìm ra manh mối để giải quyết vấn đề bằng cách xem xét phần code bị báo lỗi. Ở đó có lỗi, nghĩa là ít nhất thì code đã chạy được cho đến đó. Hơn thế nữa, nguyên nhân lỗi phát sinh rất có thể là do ảnh hưởng của những gì mà chúng ta đã nhập vào. Chẳng hạn, bằng cách dùng printf để debug, chúng ta có thể biết nhập cái gì vào module, biến đổi nó ra sao thì sẽ sinh ra lỗi. Thông qua việc đó, chúng ta sẽ hiểu khái quát vấn đề, sau đó tuần tự thử các bước chạy của chương trình là có thể chỉ ra được cụ thể phần nào bị lỗi. Tuy nhiên, người không biết cách đào sâu vấn đề thường cho chương trình chạy với tâm lí là sẽ chạy ngon và check code với tâm lí “đáng ra nó phải chạy ngon”. Họ thường không quan tâm đến thứ tự các bước chạy của chương trình, cách làm việc của họ chẳng khác nào lần mò trong đám mây. Trong một vài trường hợp, họ sẽ mãi “ngẩn ngơ” vì không hiểu sai từ đâu. Họ không có trong tay một chiến thuật để tìm ra chỗ sai nên sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái người ta vẫn gọi là “quay cuồng”.
Kết
Theo mình năng lực được tạo ra từ ý thức và hành động. Vì vậy hãy tập những thói quen tốt ngay từ bây giờ để cải thiện chất lượng làm việc của mình. Những điều này có thể chưa có tác dụng ngay nhưng về lâu dài sẽ để lại hiệu quả bất ngờ.
Nguồn:codelearn.io
Leave a Reply