5 phẩm chất tạo nên người làm sản phẩm
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Mình bắt đầu làm sản phẩm từ năm 2010, tới nay dù bản thân chưa có sản phẩm gì để đời nhưng vẫn nuôi đam mê và hy vọng.
Tự bản thân nghĩ rằng người làm sản phẩm cần có ít nhất những phẩm chất sau đây, xin chia sẻ cùng anh em, bạn bè và đồng đội.
1. Tin tưởng
Luôn tin tưởng vào thành công và thắng lợi
Do đó, phẩm chất đầu tiên mà một người làm sản phẩm cần có, theo mình là sự tin tưởng. Tin tưởng vào sự thành công của sản phẩm, tin tưởng vào khả năng của bản thân và đồng đội, tin tưởng vào sự may mắn,… Có thể đôi lúc, bạn hay tôi có thể bị chê là ảo tưởng, nhưng không sao cả, tự tin là cần thiết. Sẽ không ai tin và sử dụng sản phẩm của bạn, nếu chính bạn không tự hào và tin tưởng vào sản phẩm do chính bạn làm ra.
Khởi đầu của sản phẩm là ý tưởng. Từ ý tưởng tới sản phẩm thật sự là 1 quãng đường dài. Ngay cả khi sản phẩm có hình thù và bắt đầu có thể kinh doanh, thì việc đem lại lợi nhuận cũng không phải ngày 1 ngày 2. Thậm chí, có những sản phẩm vẫn bị sụp đổ và thất bại sau vài năm đầu đạt được thành tựu. Thành công của 1 sản phẩm khi bắt đầu làm, thường thì không thể lên kế hoạch, cũng không thể tiên đoán, chỉ là giấc mơ và sự kì vọng của người làm sản phẩm mà thôi.
Nếu là 1 trong những người chủ sản phẩm, sự tin tưởng của bạn càng phải biểu lộ rõ ràng và mãnh liệt hơn. Không nhà đầu tư nào dám đầu tư nếu chính bạn không tin nó thành công rực rỡ. Sẽ không một nhân viên, đồng đội nào muốn đi cùng bạn nếu chính bạn không đủ niềm tin rằng vinh quang đang ở phía trước.
2. Hết mình
Nếu bạn đã đủ độ tin tưởng, hết mình là điều tiếp theo.
Giống như bạn chơi poker, nếu cảm thấy mình chắc chắn thắng, thì hãy cược tất cả. Giống như ở quê tôi, mọi người hay bảo nếu biết ngày mai đề ra con gì, thì cứ cắm nhà đi mà đánh 😀
Hết mình ngược lại với sự cẩn thận và lo xa. Khi làm sản phẩm hay khởi nghiệp/lập nghiệp, người ta vẫn thường tính toán cho mình 1 đường lui để giảm thiểu rủi ro. Nhưng với mình, điều ấy lại chính là sợi xích kéo lùi bạn về phía sau.
Thời nhà Hán bên Trung Quốc, Hàn Tín có 3 vạn quân phá tan 20 vạn quân nhà Triệu, ấy là do bày trận tựa sông. Bày trận tựa sông, binh sĩ vì không có đường lui nên buộc phải chiến đấu hết mình, do đó mà giành phần thắng. Làm sản phẩm cũng phải hết mình, ấy là cùng 1 đạo lý như trên.
3. Ham học
Học tập không ngừng trong cả quá trình
Lúc bắt đầu làm sản phẩm, team của bạn thường thì ít người. Việc thì nhiều, người thì ít, nên sẽ gặp nhiều cái mới, cái khó. Không ai biết tất cả mọi thứ. Nhưng xác định làm sản phẩm, để tìm được những người biết thứ mà bạn cần thường sẽ lâu và khó.
Tích cực học hỏi từ người có kinh nghiệm, giúp bạn đủ kiến thức tạm đáp ứng công việc trước khi tìm được người thay thế.

4. Linh hoạt
Làm sản phẩm thì thay đổi như chong chóng
Hồi xưa làm outsource theo yêu cầu của khách hàng, mỗi lần thay đổi yêu cầu là các bạn của mình (và cả mình nữa) kêu như lợn bị chọc tiết. Mà làm sản phẩm thì thay đổi nó như ăn cơm, ngày đủ 3 bữa. Tập khách hàng rộng, nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thì đa dạng, thay đổi, bạn cần linh hoạt trong việc phát triển sản phẩm. Không chỉ vậy, với từng đối tượng kinh doanh, từng thị trường, với mỗi nền văn hóa bạn cũng cần linh hoạt đối ứng.
5. Cuối cùng là đương đầu
Bất chấp khó khăn và quyết tâm không lùi bước
Tất nhiên nếu bạn có đủ “tin tưởng”, thì thường là bạn sẽ đủ sức đương đầu. Nhưng tinh thần dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, gian khổ, cũng là một phần làm tăng độ tin tưởng của chính bạn và những thành viên khác trong đội nhóm của bạn.
Kết luận
Hãy mơ những gì bạn dám mơ, hãy làm những gì bạn muốn làm vì bạn chỉ có một cuộc đời để thực hiện những điều đó.
Còn câu chuyện của bạn thế nào? Hãy chia sẻ câu chuyện của bản thân bạn ở đây nhé!
Nguồn: codelearn.io
Leave a Reply