9 Kỹ Năng Teamwork Mà Lập Trình Viên Cần Nhớ
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Teamwork hay còn gọi là làm việc nhóm là một kỹ năng rất quan trọng, đặc biệt là với ngành IT. Trong một dự án, có thể gồm rất nhiều thành viên, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau, nhưng để đi đến thành công của dự án, điều quan trong nhất chính là teamwork. Một team làm việc tốt sẽ dẫn đến một dự án tốt. Điều đáng nói hiện nay rất nhiều bạn sinh viên cũng như những bạn đã đi làm chưa thực sự tốt trong làm việc nhóm.
Vậy trong bài viết này mình sẽ chia sẻ những điều quan trọng trong làm việc nhóm của lập trình viên đến tất cả các bạn.
1. Giao tiếp
Nếu bạn được làm việc trong những dự án lớn hàng chục, hàng trăm người, vấn đề giao tiếp trong dự án sẽ rất quan trọng. Nếu bạn không giao tiếp với những người xung quanh, bạn sẽ rất bất lợi trong công việc, giao tiếp tốt bạn sẽ có mối quan hệ tốt với mọi người. Ví dụ nếu gặp lỗi khi code, bạn không thể tìm ra cách giải quyết, lúc này bạn cần sự giúp đỡ đến từ những người có kinh nghiệm hơn, nhưng điều đầu tiên là bạn phải biết các diễn đạt vấn đề bạn đang gặp phải cho họ biết.
Chính vì vậy nếu bạn giao tiếp tốt, bạn có kỹ năng diễn đạt vấn đề, người khác sẽ dễ dàng hiểu điều bạn đang gặp phải và có thể đưa ra ý kiến giúp bạn giải quyết vấn đề được ngay. Giao tiếp là điều không phải ngày một ngày hai mà có được, nó là cả một quá trình luyện tập lâu dài. Điều bạn nên làm để có thể giao tiếp tốt đó chính là quan sát và luyệt tập hằng ngày.
Hãy chủ động hơn trong mọi việc, giao tiếp với những người xung quanh. Bạn cũng nên đọc những cuốn sách về kỹ năng giao tiếp, dần dần bạn sẽ hình thành được kỹ năng giao tiếp cho bản thân mình.
2. Lắng nghe người khác
Khi làm việc nhóm, mỗi người có những tính cách khác nhau, chính vì vậy sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Bạn hãy chủ động lắng nghe ý kiến của những thành viên khác, hãy tôn trọng ý kiến của tập thể. Mỗi chúng ta chắc chắn không thể có những ý kiến hoàn toàn chính xác, sẽ có những thiếu sót, chính vì vậy khi bạn lắng nghe bạn sẽ nhận ra được những thiếu sót của bản thân mình và có những thay đổi phù hợp hơn.
Chắc chẳn rẳng không ai muốn khi nó đang nói và lại có người cắt ngang, chính vì vậy lắng nghe chính là sợi dây kết nối tình đồng nghiệp, thấu hiểu sẽ khiến team của bạn trở nên hiểu nhau và phát triển mạnh mẽ hơn, cùng hướng về những điều tích cực, hạn chế những rủi ro.
3. Giải quyết xung đột
Khi đi làm trong một môi trường với rất nhiều con người, nhiều tính cách, nhiều quan điểm và suy nghĩ khác nhau, nên chắc chắn rằng bạn không thể tránh được những bất đồng quan điểm. Đặc biệt mối thù truyền kiếp trong ngành IT là Tester và Developer, chắc hẳn nhiều bạn đi làm đã được trải qua được điều này.
Những bất đồng ấy là khó có thể tránh khỏi, vậy bạn phải là người có kỹ năng để giải quyết những xung đột đó bằng những hướng tích cực, không gây mất hoà khí trong team sẽ rất khó để làm việc.
4. Quản lý thời gian & trách nhiệm công việc
Đừng lãng phí một phút giây nào cả, đặc biệt là khi làm việc. Thông thường khi làm việc, quản lý sẽ giao task code màn hình này nọ cho các bạn, bạn có thể dự tính thời gian hoàn thành, hoặc task đã có sẵn deadline bạn không thể thay đổi, tuỳ vào đặc thù thực tế.
Chính vì vậy để hoàn thành đúng hạn, bạn cần phải có kỹ năng quản lý thời gian, khi làm việc nhóm nếu bạn chậm task có nghĩa là team dự án sẽ chậm theo, có những trường hợp người khác không thể bắt đầu công việc của họ khi bạn chưa hoàn thành xong.
Một ví dụ nhỏ: khi bạn được giao code một màn hình thêm mới, trong 3 ngày bạn phải hoàn thành phần code, song bạn cho là nó dễ dàng và không chú tâm vào code nó hoàn toàn, bất chợt bạn gặp một issue, vậy là tốn rất nhiều thời gian, kết quả là bạn không thể hoàn thành xong đúng hạn. Hơn thế nữa, tester không thể test được màn hình đó, chính họ đã bị ảnh hưởng bởi bạn.
Ngoài thời gian làm việc ở công ty, bạn có rất nhiều thời gian ở ngoài xã hội, vậy bạn hãy cân bằng thời gian để đảm bảo luôn hoàn thành tốt công việc, và luôn có những mối quan hệ ngoài xã hội. Hãy tập lên kế hoạch cho từng ngày từng tuần để có một hướng đi và thời gian rõ ràng.
Khi bạn có kế hoạch và trách nhiệm với công việc của chính bản thân mình, đó cũng chính là có trách nhiệm với tập thể. Trong các dự án, plan dự án đã được lên sẵn từ trước, buộc chúng ta phải tuân theo plan đó, đương nhiên sẽ có những trường hợp đặc biệt có thể thay đổi. Tuân thủ plan dự án, tuân thủ các quy tắc đã thể hiện lên được bạn đã có trách nhiệm với công việc.
5. Hãy nói lên ý kiến của mình
Một điều thường xảy ra với các bạn sinh viên mới ra trường đi làm, khi gặp một vấn đề bạn thường ngại hỏi người khác, vì sợ bị đánh giá không tốt. Điều này quả thật không đáng có một chút nào, hãy mạnh dạn hỏi khi bạn không có khả năng xử lý, tất nhiên hãy suy nghĩ về vấn đề đó đã, tìm kiếm phương pháp trước, rồi mới nhờ đến sự giúp đỡ.
Ngoài ra, nhiều bạn có suy nghĩ về một giải pháp nào đó rất hay, nhưng lại không giám nói ra trước tập thể. Vậy khi bạn có một ý kiến nào đó, hãy mạnh dạn nói ra, nếu đúng thì bạn sẽ được đánh giá cao, còn chưa hoàn chỉnh cũng không sao, mọi người sẽ có ý kiến bạn sẽ dần học thêm được nhiều điều.
Đặc biệt khi đưa ra một ý kiến nào đó, bạn hãy chú ý phong thái và cách đặt vấn đề của mình, giúp cho người nghe dễ tiếp thu.
Không thể chắc chắn được rằng bạn luôn luôn đúng, bạn có thể biệt về một công nghệ nào đó, nhưng có rất nhiều kiến thức bạn không thể nắm hết được, chính vì vậy bạn không thể cho rằng mình luôn đúng. Điều này vô hình chung sẽ làm cho mọi người đánh giá không tốt về bạn, họ sẽ không có lòng tin vào bạn sẽ dẫn đến rất khó để làm việc nhóm, dẫn đến hiệu quả không tốt.
Hãy chấp nhận bỏ qua các tôi cá nhân để hướng đến một tập thể phát triển, thấu hiểu nhau.
6. Gắn kết và lòng tin
Trong một tập thể, việc đoàn kết và gắn kết các thành viên trong team là một điều rất khó khăn, đòi hỏi từ người leader rất nhiều. Song ở mỗi thành viên luôn cần sự gắn kết từ chính bản thân họ, bạn hãy là một người cởi mở, tham gia thảo luận công việc hay các hoạt động vui chơi cùng tập thể.
Lòng tin luôn là một cái rất quan trọng, khi bạn có lòng tin từ người khác bạn sẽ dễ dàng nhận được sự tin tưởng của họ, đặc biệt là trong công việc. Hãy gây dựng lòng tin bằng chính tấm lòng của bạn, luôn hoàn thành tốt mọi công việc, luôn là một người cởi mở, quan tâm đến đồng nghiệp.
Khi làm việc nhóm, chúng ta cần bỏ qua cái tôi cá nhân, hãy tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung của dự án.
7. Hoà nhập
Đây gần như là một yếu tố khá quan trong khi làm việc nhóm, trong một công ty việc luân chuyên nhân viên diễn ra thường ngày, bạn đang làm dự án A nhưng hôm sau lại qua dự án B, vậy điều quan trọng là bạn phải biết cách hoà nhập với môi trường mới.
Mỗi người quản lý dự án có thể có những phong cách quản lý công việc khác nhau, hay cách quản lý và giao công việc mỗi dự án, mỗi công ty cũng khác nhau. Vì vậy bạn cần phải hoà nhập và thích nghi nhanh chóng với môi trường mới. Sẽ giúp cho quá trình làm việc của bạn thuận tiện hơn.
8. Đàm phán và thuyết phục
Đàm phán luôn là một kỹ năng cần có khi bạn làm việc, đặc biệt những người quản lý lại càng cần có kỹ năng này. Bạn đã phán tốt, đặc biệt là khi review tăng lương nó sẽ là một lợi thế rất lớn.
Thuyết phụ người khác luôn là một điều khó, trong tập thể bạn phải thuyết phục để tập thể sẽ lắng nghe ý kiến của bạn và bạn sẽ chứng mình cái bạn đang nói là đúng.
9. Quan sát
Trong một tập thể việc bạn quan sát sẽ rất có lợi cho công việc của bạn, quan sát không chỉ là nhìn mọi thứ xung quang bạn, mà quan sát chính là bạn quan sát, thu thập thông tin và xử lý những thông tin đó, từ đó lấy ra những thông tin tốt hữu ích cho bản thân mình.
Khi bạn quan sát bạn sẽ có cái nhìn chung và tổng thể về dự án và từng thành viên trong dự án, bạn cũng có thể nhìn ra được tính cách của mỗi người từ đó có những biện pháp giao tiếp phù hợp với từng đối tượng. Hay là lúc bạn được support, quá trình họ fix bug bạn sẽ nhận thấy và quan sát cách tư duy để tìm ra vấn đề của họ, họ sẽ fix lỗi như thế nào để nhanh nhất, khi đó quan sát sẽ giúp bạn học hỏi thêm được kinh nghiệm cho bản thân. Quan sát đồng nghiệp rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng này luôn có trong những người leader, và sếp, bạn có thể không nhận ra nhưng họ luôn quan sát bạn làm việc đấy.
Ví dụ nhỏ: khi bạn gặp vấn đề không thể gỡ rối, bạn cần sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, lúc này bạn phải có kỹ năng quan sát xem người đó đang vướng bận task hay không, nếu họ đang đau đầu suy nghĩ về task của họ thì bạn không nên nhờ họ, hãy tìm đến những người có thời gian để giúp đỡ bạn. Nếu bạn cứ cố gắng nhờ trong khi họ không thể, vô hình chung sẽ làm mất hình ảnh của bạn trong họ và họ sẽ không ấn tượng tốt về bạn.
Quan sát để học hỏi, cũng chính là bạn đang tự mình rèn luyện những kỹ năng khác.
Tạm kết
Trên đây là những kỹ năng trong làm việc nhóm mà qua quá trình học tập và làm việc mình đã đúc rút ra được. Ngoài ra có thể còn rất nhiều kỹ năng khác, đây là những kỹ năng mình muốn chia sẻ đến với các bạn. Làm việc nhóm rất quan trọng, có thể bạn code rất giỏi nhưng bạn không làm việc nhóm được thì rất khó để phát triển trong môi trường IT.
Hi vọng các bạn sẽ có thể có những kỹ năng làm việc nhóm thật tốt, và tiến xa hơn nữa trong công việc. Chúc các bạn thành công.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Leave a Reply