9 Sai Lầm Thường Gặp Khi Học Công Nghệ Thông Tin
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Khi tiếp cận tới lập trình, ai cũng ngơ ngơ ngác ngác như ai vậy thôi. Vì thế khi mới bắt đầu học, các bạn newbie vẫn có những câu hỏi ngáo ngơ như thường.
1. Không biết bắt đầu từ đâu
Bạn muốn học lập trình nhưng lại phân vân không biết học ngôn ngữ nào rồi suy nghĩ học xong rồi sau này lại không dùng tới rồi bla bla… trong suy nghĩ đấy bạn mặc định chọn học một ngôn ngữ là phải theo nó suốt đời vậy. Nhiều sinh viên hiện nay trong trường dạy ngôn ngữ C hay ngôn ngữ C++ thì sau này đi làm viết java/C#. Đấy là điều rất bình thường! Vậy nên khi đã gạt bỏ được suy nghĩ đó rồi thì lời khuyên dành cho bạn là chọn 1 ngôn ngữ nào đấy rồi học luôn. Lên mạng search một khóa học cơ bản trên bất cứ kênh nào bạn tìm được. Học và cố gắng đi đến khi hết khóa học. Trong quá trình học, xong bước này bạn sẽ tự khắc biết bước tiếp theo sẽ cần làm gì.
2. Không đủ tự tin và sự kiên trì
Có nhiều bạn mới chỉ bắt đầu học và tìm hiểu những khái niệm cơ bản ban đầu của lập trình đã bắt đầu thấy nản, cảm thấy mình không đủ tự tin, nghĩ rằng mình không đủ thông minh hay tư duy của mình không phù hợp để theo đuổi lập trình và dần dần buông xuôi, không còn hứng thú, tích cực suy nghĩ như lúc ban đầu.
Bạn nên nhớ rằng không ai vừa sinh ra đã biết chạy. Hãy nhớ lại ngày đầu tiên vào lớp 1, chúng ta làm gì biết đọc chữ, ai cũng phải học từ những chữ cái đầu tiên, ghép thành vần, thành chữ rồi mới thành câu. Học lập trình cũng vậy, bạn cần phải học thật chậm từ những khái niệm đơn giản nhất. Mấu chốt trong quá trình đó chính là sự kiên trì. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan không được nản, hãy nhớ kỹ điều đấy.
3. Học một cách thụ động trên lý thuyết.
Các bạn xem, đọc qua tài liệu và nghĩ rằng mình đã hiểu về nó? Có thể khái niệm đó có vẻ dễ hiểu trên lý thuyết nhưng thật ra lại rất khó để làm thực hành. Vì vậy, ngay khi tìm hiểu được 1 vấn đề trên lý thuyết, bạn phải bắt tay ngay vào việc thực hành nó, phải làm thật nhiều bài tập, với mỗi bài tập bạn cần phải luôn luôn suy nghĩ để đưa ra những hướng giải quyết tối ưu nhất. Có thể bản thân bạn chỉ nghĩ ra 1 đến 2 hướng giải quyết, đừng nản chí, hãy hỏi thật nhiều người khác, có thể là bạn bè mình, có thể là trên các diễn đàn khác. Bạn sẽ học được nhiều điều mới mẻ, đồng thời mở rộng thêm mối quan hệ xã hội nếu bạn khéo giao tiếp.
4. Tự mãn khi mình đã học xong
Trước tiên các bạn phải hiểu lấy một điều “Không có bao giờ có chuyện học xong một ngôn ngữ”. Các bạn học xong 1 khóa học nào đó và nghĩ là mình đã học xong mọi thứ và không còn gì để học thêm nữa… No no no… Công nghệ luôn luôn thay đổi, nhanh là đằng khác, kiểu hôm nay kiến thức bạn học thì ngày mai thế giới đã không còn dùng nó nữa. Giải pháp thì chỉ có 1 – bạn phải luôn luôn tự học và học không ngừng nghỉ. Nếu bạn dừng việc học, kiến thức của bạn sẽ bị thay thế và bạn sẽ bị thị trường đào thải.
5. Học kiểu chạy theo ngôn ngữ
Đây là tình trạng chung thường gặp ở những bạn mới bắt đầu học lập trình. Các bạn thường mải mê chạy theo công nghệ, ngôn ngữ mà quên đi điều cốt lõi nhất – Kĩ năng giải quyết vấn đề – Problem Solving. Suy đi tính lại, ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ. Khi gặp vấn đề, bạn chọn công cụ nào, giải quyết nó như thế nào mới là quan trọng nhất.
Vậy nên, khoảng thời gian mới tiếp cận, các bạn có thể thử học nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên sau đấy hãy chọn 1 ngôn ngữ hợp với bạn nhất và học nó, học sâu về nó đến khi bạn có thể. Tin mình đi, nền tảng bạn đã vững thì ngôn ngữ thứ 2 thứ 3 bạn học cũng chỉ mất vài tuần hoặc vài ngày nếu ngộ tính cao.
6. Viết code xấu
Thật sự, ông lập trình viên nào mới chập chững vào nghề mà chẳng viết code như vậy. Một phần vì mục tiêu viết sao cho code chạy là được, một phần cũng không biết viết code sao cho nó đẹp cả. Ơ, thế code xấu là code như nào và code đẹp là code như nào? Hãy cùng phân tích như sau.
Code xấu là code mà bạn đọc vào không hiểu nó viết cái vẹo gì sất. Hoặc mất kha khá thời gian để hiểu được mấy biến tên kiểu a,b,c,… nó đại diện cho cái gì, tính toán với nó ra sao. Vậy còn lại là code đẹp. Đảm bảo cho chương trình chạy đúng và đọc vào dễ hiểu. Có lẽ các bạn mới tiếp cận thì tiêu chí code chạy được là xong bài, không còn vướng bận gì nữa. Còn sau này khi đi làm, code của bạn phải được đọc lại. Để chi? Để bảo chì, nâng cấp hay mở rộng thêm chức năng,… với ti tỉ thứ yêu cầu bạn phải đọc lại code của mình. Vì thế việc đọc lại code là tất yếu và code dễ hiểu đỡ tốn thời gian phải là điều hiển nhiên.
7. Hay hỏi có thực sự tốt?
Khi bạn không biết làm hoặc code gặp lỗi, bạn không biết thì sẽ tìm đến người khác giải quyến hộ mình là điều đúng đắn, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, lâu dần sẽ tạo cho bạn thói quen xấu ỷ lại người khác. Làm cho kĩ năng của bạn khó mà phát triển tốt được.
Vậy làm thế nào để cân đối được việc hỏi hay không hỏi? Theo cách của mình thì khi gặp một vấn đề mới, mình sẽ lên mạng tra cứu – cứ kiến thức thì google, code gặp lỗi thì stackoverflow mà quất. Nếu trong vòng 30 phút tới 1 tiếng không tìm ra giải pháp, mình mới tìm tới người hướng dẫn.
8. Sưu tầm nhiều tài liệu rồi … bỏ đấy
Hiện nay, sách Ebook quá nhiều, hướng dẫn lập trình miễn phí đầy rẫy trên YouTube, bạn thích bất kỳ một khóa học nào trên Udemy, bạn có thể tìm trên mạng thế nào cũng link tải miễn phí. Có nhiều bạn sinh viên có cái ổ cứng di động hàng trăm Gb chứa sách và video dạy lập trình. Nhưng 80% là bạn sẽ không bao giờ động đến nó.
9. Không đầu tư vào Tiếng Anh
So sánh 2 ông dev có trình độ bằng nhau, công ty sẽ trả lương cao gần gấp đôi cho ông nào có vốn Tiếng Anh tốt hơn. Mình đã phải nói lần thứ n+1 rằng Tiếng Anh quan trong nhường nào trong ngành lập trình này. Không có Tiếng Anh bạn sẽ không bao giờ phát triển được.
Tạm kết
Trên đây chỉ là những sai lầm thường gặp đối với những bạn mới bắt đầu học lập trình. Khi đã học đủ lâu bạn cũng có thể nghiệm ra những điều này thôi nhưng nếu biết sớm, bạn đã có thể tiết kiệm cho mình kha khá thời gian rồi! Chúc bạn thành công.
Nguồn: codelearn.io
Leave a Reply