Đôi lời chia sẻ của một lập trình viên mới ra trường tới sinh viên CNTT
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Nếu bạn là một người đang hoặc đã từng băn khoăn về định hướng trong ngành CNTT, hãy đọc và chia sẻ lại cảm nhận của mình nhé!
Công nghệ thông tin, nghành nghề chưa bao giờ thiếu việc!
Mình từng làm việc với rất nhiều bạn, anh chị, cũng tự lập làm riêng với các đối tác nước ngoài, mình nhận ra để kiếm được 1 dự án hoặc 1 công việc trong lĩnh vực này thật sự rất đơn giản, để có mức thu nhập ổn(so với thu nhập trung bình) cũng không phải khó, nếu không nói là dễ. Tuy nhiên, việc đó sẽ chỉ xảy ra nếu đáp ứng được 1 số yêu cầu cơ bản:
- Kỹ năng lập trình: Nắm vững ít nhất 1 ngôn ngữ lập trình nào đó, ít nhất phải ở trình độ Junior, khi còn là Fresher hoặc Intern bạn nên tập trung học tập và phát triển kỹ năng thay vì đi tìm thêm việc làm bán thời gian.
- Kỹ năng giao tiếp: Ngoài tiếng mẹ đẻ, cần có ít nhất thêm một vài ngôn ngữ khác mà bạn có thể đọc viết được, nếu có thể giao tiếp thì quá thuận lợi rồi, ở đây mình nghĩ chỉ cần biết tiếng anh là đủ để cho các bạn bắt đầu.
- Kỹ năng quản lý: Phần này, để có thể phát triển trong ngành CNTT, việc teamwork là một yêu cầu bắt buộc, mình vẫn hay nói với một số bạn: “Viết code không hề khó, viết code để sau này mình quay lại fix cũng không khó, cái khó là viết code để mọi người cùng làm việc được mới khó”. Vì thế kỹ năng quản lý(cá nhân- đội nhóm) là vô cùng cần thiết để phát triển. Ngoài ra khi quy trình phát triển chuyên nghiệp cũng sẽ tạo độ tin tưởng cho khách hàng hơn, vì ít nhất họ biết các bạn đang làm gì!
Công nghệ thông tin, lĩnh vực khó chỉ người giỏi mới có cơ hội!
Ý kiến trên mình hoàn toàn không đồng ý, bản thân mình nghĩ, mọi thứ đều có giá trị trao đổi, bạn muốn càng nhiều thì cần phải cố gắng càng nhiều. Khi bạn vẫn ngủ hơn 10 tiếng, vẫn bỏ ra cả tiếng lướt facebook, insta,.. thì .. nó khó thật.
Mình nhìn thấy rất nhiều bạn thường chụp ảnh rồi post lên với status: “Ước gì 1 ngày có 48 tiếng”. Câu nói nhảm nhí nhất theo quan điểm của mình. Mỗi khi muốn upload 1 cái ảnh, cần 10p để chụp, chỉnh sửa, thêm 10p nghĩ xem viết cái gì, cộng thêm vô cực phút ngồi hóng xem người khác sẽ phản ứng thế nào với ảnh của mình, khi có 48 tiếng rồi, các bạn sẽ lại muốn 72 tiếng.. cứ thế rồi sẽ lại có lý do rằng không đủ thời gian nên không làm được.
Thay vì ước có thêm thời gian, hãy tận dụng tối đa cái mình đang có đã. Đó chỉ là một trong các lý do mà mọi người hay bỏ cuộc, nhưng dù là gì đi chăng nữa, bản chất vẫn xuất phát từ bản thân các bạn thôi.
Nếu các bạn bỏ ra 8 tiếng 1 ngày, các bạn sẽ nhận lại 8 tiếng, khi nhìn người khác họ nhận được nhiều hơn, thành đạt hơn, đừng vội mỉa mai họ may mắn hay thông minh, hãy nhìn vào cái họ đã phải hy sinh đã!
Không phủ nhận việc nhiều bạn rất thông minh, đó hẳn là 1 điểm mạnh của các bạn ấy, nhưng khi họ đi xe và các bạn đi bộ, việc mình cần làm là chạy thật nhanh chứ không phải đi và nhìn họ vượt qua mình! Mình tự tin rằng, nếu các bạn “nghiêm túc” với mảng CNTT, không bao giờ các bạn phải sợ việc không có việc làm, nhưng nếu các bạn muốn vươn xa hơn, sẽ phải hy sinh nhiều hơn, chăm chỉ hơn, cố gắng hơn,…
Vì vậy, CNTT là một lĩnh vực cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng ai cả, cái quan trọng, ai là người muốn nó, cần nó và ai là người chỉ ngồi mơ về nó! Mỗi một hành động sẽ mang lại một kết quả khác nhau và tất cả là do bạn quyết định!
Công nghệ thông tin, phải học và làm như nào để ra trường không phải vất vả đi thực tập? Liệu có nên quan tâm tới lương khi còn là sinh viên?
Bản thân mình, từ khi học năm 1 mình đã ứng tuyển vị trí Intern không lương, trong gần 1 năm ở đây, mình học được nhiều thứ và những lần sau, khi cảm thấy đủ khả năng, mình luôn ứng tuyển vào các vị trí có lương và đãi ngộ, chứ không bao giờ làm không lương cả!
Lý do chính ở đây không phải mình cần hỗ trợ đó để lo cho cuộc sống hay chi tiêu, lý do lớn nhất mình nhận ra được rằng, khi một công ty trả tiền cho bạn, ngoài việc đó là quyền lợi của bạn nó còn như một thước đo năng lực của bạn so với các thành viên khác trong công ty!
Công ty chỉ trả cho bạn 5tr nhưng lại trả cho người khác mới vào 20tr, đừng tự an ủi rằng dù 5tr bạn cũng sẽ làm với 200% và thầm tự hào! Họ đang nói thẳng vào mặt bạn rằng bạn thật kém cỏi, cả trong năng lực lẫn khả năng nắm lấy quyền lợi của mình!
Rất nhiều bạn nghĩ rằng việc để mình chịu thiệt sẽ chứng tỏ cái gì đó, nhưng sai rồi, dù bạn là sinh viên, đã đi làm lâu hay mới đi làm, mức lương và quyền lợi của bạn ở công ty phải thật rõ ràng, khi bạn bị đối xử thiệt thòi, đừng ngại mà đứng lên đòi quyền lợi của mình!
Nó thể hiện rằng bạn tự tin với khả năng của mình và cũng thể hiện bạn là một người thông minh và rất chủ động!
Ngoài ra, khi còn là sinh viên làm sao để học tập trên trường mà vẫn đảm bảo học được các kiến thức để có thể đi làm. Mình có thể khẳng định một điều, các kiến thức trên trường, dù ít hay nhiều đều gíup mình trong quá trình làm việc.
- Đầu tiên, kiến thức cơ bản về thuật toán, đại số, .. giúp mình có tư duy tốt hơn khi cần giải quyết các bài toán cần tính toán hoặc logic nhiều, việc này mình đã tự mình trải nghiệm.
- Kiến thức về quản trị, phát triển phần mềm giúp mình có cái nhìn cơ bản về quy trình phát triển phần mềm, khi mình thi chứng chỉ Scrum Master, mình đã dùng rất nhiều kiến thức trong môn “Phân tích xây dựng phần mềm” và “Phát triền phần mềm chuyên nghiệp” được học trên trường.
Vì thế, hãy tập trung học các môn học quan trọng, ngoài ra nguyên tắc trong suốt thời sinh viên của mình là 40–40–20. Trong đó, 40% thời gian(ngoài thời gian nghỉ ngơi và ăn uống, vệ sinh các nhân) mình dành chuẩn bị các môn học trên trường cũng như học thêm ngoại ngữ, 40% mình dùng để làm việc(code) cũng như review công việc của các thành viên khác trong team. Cuối cùng 20% còn lại mình sẽ đọc sách hoặc tài liệu trên mạng, đọc càng nhiều bạn càng học được nhiều, vì lúc nào cũng sẽ có nhiều người giỏi hơn chúng ta rất nhiều!
Công nghệ thông tin, mới ra trường nên chuẩn bị gì để đi “ứng tuyển” việc làm
Trước khi bắt đầu phần cuối này, mình sẽ có 1 bài viết chi tiết về kinh nghiệm khi đi phỏng vấn nên mình sẽ chỉ tập trung vào việc cần làm gì và chuẩn bị gì khi đi phỏng vấn.
Đầu tiên, thứ bạn cần chuẩn bị nhất là tâm lý, nhớ rằng bạn đi ứng tuyển việc làm chứ không phải đến để xin việc. Mình gặp rất nhiều bạn(anh, chị) HR có tâm, họ mang lại cho mình cảm giác tiếc nuối khi không thể tới làm việc hay vì lý do gì đó mà không thể tới phỏng vấn, những người này là những người thật sự chuyên nghiệp và có năng lực trong mảng nhân sự.
Tuy nhiên lại có nhiều HR tỏ thái độ như ban phát công việc cho ứng viên, cách trả lời cũng như thái độ khi ứng viên từ chối rất khó chấp nhận. Mình còn nhớ có 1 lần mình ứng tuyển vào vị trí iOS Developer, được bên công ty điện mình có trả lời là mong nhận được 1 email xác nhận vì mình rất hay quên khi chỉ hẹn lịch bằng miệng, HR đồng ý và hứa sẽ gửi cho mình trong ngày mai.
Sau đó khoảng 4 ngày mình nhận được 1 cuộc gọi và được hỏi: “Tại sao bạn không tới công ty phỏng vấn?” mình khá ngạc nhiên và hỏi lại: “Em xin lỗi, em quên mất vì không nhận được mail xác nhận nên em quên không để ý lịch” và mình được bạn ấy trả lời rằng: “Đáng nhẽ không thấy mail bạn phải chủ động liên hệ lại bên mình chứ, nhiều lúc bọn mình cũng quên không gửi mail nên bạn phải chủ động nên chứ? Bị động vậy sao có việc được?”… mình chỉ biết xin lỗi và cũng từ chối luôn “cơ hội” này…
Lỗi có thể là từ cả 2 phía nhưng khi đã confirm sẽ gửi mail thì ít nhất bạn ấy cũng nên xin lỗi ứng viên trước, những trường hợp như này, bạn cần phải có chính kiến cá nhận, mình mang lại lợi ích cho công ty và nhận lại công việc chứ không ai cho không ai cả, vì vậy hãy thật tự tin trước khi tới phỏng vấn, trong khi phỏng vấn và sau khi phỏng vấn nữa.
Trước khi tới phỏng vấn hãy bỏ ra khoảng 1 tiếng tìm hiểu về công ty, ít nhất bạn cần biết công ty bạn tới sẽ làm gì và bạn sẽ làm gì khi tham gia vào công ty. Khi được phỏng vấn hãy nhìn thẳng vào người phỏng vấn bạn, đừng trả lời những câu hỏi mình không biết bằng cách: “em tưởng ..” hãy nói thẳng rằng phần này em chưa rõ và sẽ tìm hiểu thêm. Sau khi phỏng vấn hãy bỏ ra khoảng 15 phút viết 1 email cảm ơn, dù kết quả có tốt hay không thì công ty đã bỏ thời gian và nhân sự ra để phỏng vấn bạn, đừng tiếc 1 chút thời gian để cảm ơn việc đó.
Kế tiếp là kiến thức, tuỳ từng vị trí mà bạn ứng tuyển sẽ có các yêu cầu riêng, nói chung nếu là Developer sẽ được chia thành các level chính như sau:
- Intern: Thực tập sinh, mức độ cơ bản có thể bao gồm cả các bạn chưa biết gì.
- Fresher: level cao hơn 1 chút so với intern, tại mức này bạn phải biết cơ bản hoặc tương đối về ngôn ngữ lập trình bạn đang ứng tuyển.
- Junior: các bạn đã đi làm khoảng 1 năm có thể ứng tuyển vào vị trí này, yêu cầu cần nắm chắc ngôn ngữ đang dùng, biết thêm cách sử dụng Git,… và cũng có kinh nghiệm teamwork.
- Middle: Level có thể nói là cao nhất khi chỉ tính yêu cầu kỹ thuật, ngoài việc hiểu rõ ngôn ngữ mình đang làm thì bạn cần có kinh nghiệm làm việc với Git, Jira, Gitlab,…. kinh nghiệm quản trị nhóm cơ bản: Agile/Scrum,… Có thể tham gia xây dựng phát triển kiến trúc hệ thống của dự án.
- Senior/Expert: 2 level này mình đặt chung vì khi qua mức Middle bạn đã rất mạnh về kỹ thuật rồi, 2 vị trí này yêu cầu về kỹ năng quản lý và xây dựng dự án hơn. Cần nắm vững quy trình dự án, các xây dựng 1 hệ thống, xây dựng yêu cầu, phân chia công việc cho các thành viên,… Thành thạo cách giao tiếp với các team khác và khi đã tới 2 mức kia có vẻ ngoại ngữ cũng là 1 yếu tố bắt buộc.
Dựa vào vị trí bạn ứng tuyển, bạn cần chuẩn bị rõ các yếu tố mà công ty yêu cầu, tuy nhiên nếu kết quả không tốt, đừng vội từ bỏ, khi phỏng vấn công ty sẽ đặt khả năng phát triển của bạn cao hơn, vì vậy nếu bạn có năng lực họ sẽ không ngại mà nhận bạn đâu!
Cuối cùng, mình chỉ muốn khẳng định lại rằng, tất cả sẽ chỉ bắt đầu từ việc bạn có cố gắng hết sức hay không, không hề liên quan tới ngoại cảnh. Đồng thời có 1 việc bạn cần nhớ: “Phải luôn tự tin với bản thân, hãy học cách PR cho bản thân và đừng biến mình thành một kẻ tự phụ khi khoe khoang về thành tích và kinh nghiệm một cách thái quá”. Hy vọng sau khi đọc, các bạn sẽ có 1 chút rõ ràng hơn về việc mình cần làm gì và định hướng tốt hơn 1 chút! Đây chỉ là ý kiến và kinh nghiệm cá nhân của mình! Hy vọng giúp được mọi người!!
Trả lời