Ghim vào tim 8 lời khuyên dành cho người muốn tự học code.
Một câu hỏi phổ biến mà mình đã gặp trong các cộng đồng coder là “Làm thế nào để tôi bắt đầu học code?”. Bạn có thể có rất nhiều lựa chọn để bắt đầu học code. Hình thức mà mình muốn chia sẻ trong bài viết này, sẽ là ưu nhược điểm của hình thức tự học – self learning, cũng như 8 lời khuyên mà mình rút ra từ kinh nghiệm xương máu của mình, dành cho các bạn đang chưa biết bắt đầu từ đâu.
Theo mình, tự học là con đường đầu tiên bạn nên cố gắng thực hiện khi bạn tò mò về việc học viết code. Bạn có thể thử chọn một cuốn sách hoặc tham gia một khóa học / hướng dẫn online để xem chương trình sẽ như thế nào nếu bạn chưa có kiến thức về code. Điều này cũng sẽ cho bạn một cơ hội để xem bạn có thích công việc này hay không.
Con đường tự học là lựa chọn đỡ tốn kém nhất vì bạn kiểm soát được số tiền bạn muốn chi trả cho việc học của mình. Bạn có thể xem và đọc hướng dẫn và có hàng nghìn khóa học miễn phí trên nhiều nền tảng khác nhau, một nền tảng học tập mà bạn có thể học từ cơ bản đến nâng cao, đồng thời sẽ có bài tập cho bạn thực hành code của mình. Sau đó, bạn có thể đưa ra quyết định tham gia một khóa học dài hơi hơn hay phát triển thêm nhiều kĩ năng hơn.
Tự học cũng là một trong những con đường thử thách nhất vì bạn đang đi một mình. Bạn phải tự chịu trách nhiệm, tìm tài nguyên học tập và tìm người giúp bạn khi bạn bối rối hoặc bị mắc kẹt trong ma trận học tập.
Mình có thể liệt kê ra được một số những ưu nhược điểm của việc tự học để bạn cân nhắc

Điểm cộng:
- Chi phí thấp: Bạn có thể bắt đầu học miễn phí với các tài nguyên trực tuyến và trả tiền cho việc học các tài nguyên khi bạn cảm thấy cần thiết
- Đi theo lộ trình và tốc độ của riêng bạn
- Học bất cứ điều gì bạn muốn
- Hình thành được tính tự giác, đó là một đức tính hữu ích cho bạn trong sự nghiệp sau này.
Điểm trừ
- Sự hoang mang: Phải lựa chọn giữa rất nhiều tài nguyên / ngôn ngữ / công nghệ mà bạn có thể bắt đầu học, điều này có thể khiến bạn khó quyết định học gì trước.
- Tính cam kết: Bạn cần giữ cho mình động lực. Bạn có thể bị nản chí nhanh chóng khi gặp các vấn đề hoặc những điều bạn không hiểu.
- Hiểu nhầm: Bạn có thể vô tình hiểu nhầm các khái niệm hoặc sử dụng sai các kiến thức, sử dụng tài nguyên học tập không đầy đủ hoặc sử dụng các đoạn code không chuẩn.
- Tốn thời gian: Có thể mất nhiều thời gian tùy thuộc vào tốc độ học tập cá nhân của bạn
- Sự phù hợp: Có thể trở nên khó khăn để tìm ra con đường thật sự phù hợp với bạn
- Khó tìm kiếm đồng nghiệp / cố vấn để học hỏi hoặc chia sẻ kinh nghiệm
Có quá nhiều thứ cần cân nhắc và lựa chọn khi bắt đầu học lập trình. Mình đã từng hoang mang như thế và đây là 8 bí kíp dành cho những người muốn bắt đầu tìm hiểu về code:
- Lựa chọn nguồn tài nguyên tự học uy tín, có tiêu chuẩn.
- Xác định các loại chứng chỉ cần học (ví dụ như các loại chứng chỉ công ty cần có/ các công cụ cần thiết cho công việc)
- Theo dõi các trang blog, những người có kinh nghiệm trong công nghệ, lắng nghe và tìm hiểu những xu hướng công nghệ hay đơn giản là xem họ đã và đang làm gì.
- Lập một lộ trình học tập, bám sát theo lộ trình đó. Học theo tốc độ của riêng bạn là tốt, nhưng bạn cần phải nhất quán.
- Tạo một danh mục các ví dụ code hoặc các dự án bạn đã từng làm trong quá trình học. Ngay cả khi đoạn mã đấy có vẻ ngớ ngẩn hay gì đó, nó cũng là minh chứng cho việc bạn đã học và thực hành một cách nghiêm túc.
- Hãy thử đóng góp các đoạn mã bạn viết cho các dự án nguồn mở
- Học cách sử dụng Git đi.
- Và cuối cùng, hãy tạo dựng các mối quan hệ trong network công nghệ của bạn. Hãy trở thành 1 phần của một cộng đồng nào đó. Hãy tìm cho mình những người đồng hành, có thể tư vấn, chỉ dạy cho bạn trong quá trình học tập của mình.
Kết luận
Dù là hình thức học tập nào cũng sẽ có những ưu nhược điểm riêng, quan trọng là tính phù hợp của nó đối với bạn. Trong những bước đầu tiên bén duyên với lập trình, tự học, tự tìm tòi sẽ mang đến cho bạn nhiều thứ hơn so với những người ngồi há miệng chờ sung. Hi vọng những kinh nghiệm xương máu của mình sẽ giúp cho bạn có những sự chuẩn bị thật tốt cho hành trình sắp tới.
Chúc các bạn thành công với con đường của mình.
Nguồn: codelearn.io
Leave a Reply