Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Xin Việc Cho Coder
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Hết dịch mùa tuyển dụng lại ầm ầm, nhưng anh em coder nhiều khi giỏi chuyên môn lại hay kém kỹ năng sống lắm nên nhiều khi ứng tuyển cứ lớ nga lớ ngớ. Hôm nay mình sẽ “đi đường quyền” chỉ anh em vài chiêu, đảm bảo vô đâu đậu đó nhé!
Dưới đây là một số kinh nghiệm mình đúc kết lại được trong suốt quá trình đi phỏng vấn dưới cả vai trò ứng viên và nhà tuyển dụng, hi vọng các bạn sẽ cảm thấy hữu ích và ứng dụng được vào trong công cuộc tìm nơi chốn trao thân gửi phận của mình.
Trước khi đi phỏng vấn
1. Nắm rõ JD (Job Description – mô tả công việc) và công ty mà mình ứng tuyển
Sau đó bỏ công Google search 15-20′ về công ty mình chuẩn bị đi phỏng vấn hoặc hỏi bạn bè đã từng làm ở đây. Bản thân mình đã từng có lần “rải đơn” nhiều quá nên khi đi phỏng vấn lớ nga lớ ngớ, không biết cái công ty/vị trí mà mình apply làm về cái gì, lĩnh vựa nào, ở đâu…
Đến những thông tin cơ bản như thế này còn không biết thì fail chắc, vì nó thể hiện sự hời hợt của bạn với công việc, đúng kiểu apply “cho vui” chứ chẳng tha thiết gì. Cách đơn giản nhất là lên website/fanpage cty để đọc qua, nắm 1 số thông tin cơ bản nhất kiểu ở đâu, làm gì, một số dự án tiêu biểu… Search nhiều khi còn đọc ra được cả “phốt”, nhỡ kinh khủng quá còn biết đường mà chạy. Nhiều công ty bên ngoài đẹp đẽ thơm tho bên trong thúi hoắc chả biết đâu mà lần đâu.
Sau khi hiểu về công ty, bạn sẽ phần nào mường tượng được cái công việc mà mình sẽ làm. Ví dụ cùng làm Front end, nhưng Front end ở dự án bắt đầu phát triển sản phẩm sẽ khác với dự án mantain, dự án làm game sẽ khác với ứng dụng quản lý tài chính…
Cái này hơi riêng tư, nhưng nếu được có thể stalk cả trang cá nhân của sếp tương lai nữa. Đánh giá sơ bộ về phong cách, lối sống của người sếp làm việc trực tiếp với mình, phỏng vấn mình sẽ giúp bạn biết được “tương lai” của mình liệu có êm đẹp hay không. Bây giờ tính bạn thoải mái tự do, yêu màu tím thích sự thủy chung ghét sự phông bạt, lại nhìn thấy sếp mình liên tục hô hào NGHÌN TỶ NGHÌN TỶ trên FB, liệu có ổn không… Đi làm nhiều khi hơn nhau ở cái chọn sếp, sếp xịn thì được nhờ, sếp hãm thì…
2. Nghĩ trước về mức lương mà bạn mong muốn
Đây là một sai lầm rất nhiều bạn ứng viên trẻ thường bỏ qua do sự tự ti về năng lực, dẫn đến các công ty có cơ chế không rõ ràng thường lợi dụng để chèn ép lương (Suy cho cùng ông nào chả muốn nhận nhiều mà chi ít). Thế nên để tránh bị thiệt, bạn cần xác định rõ mức lương mà mình mong muốn. Mức lương này nên được dựa trên mặt bằng chung của công ty và công việc thay vì chỉ là cảm quan cá nhân.
Cùng là tester nhưng tester ở Google lương sẽ khác tester ở dự án start-up. Nếu JD không ghi, bạn có thể dùng Google thần chưởng tiếp, nhiều khi ở chỗ này hay chỗ khác lại có nơi ghi mức lương, hoặc job tương tự ở công ty có quy mô tương tự chẳng hạn…
Để tránh mất thời gian, mình thậm chí có thể hỏi trực tiếp HR về range lương giao động từ đâu tới đâu, tránh việc phỏng vấn chán chê rồi mới nhận ra mức mình mong muốn và mức công ty đề xuất một trời một vực. Nếu mức lương bạn expect nằm trong khoảng công ty có thể chi trả thì nói chuyện tiếp, không thì thôi. Xác định được mức lương mà bạn muốn nhận cũng là cách để không bị “ép giá” khi trao đổi với HR.
Một số điểm về lương thưởng bạn nên chú ý:
- Lương gross: Chưa trừ các loại bảo hiểm, thuế phí…
- Lương net: Lương tất tật sau khi đã trừ (mình chủ yếu quan tâm cái này nè)
- Lương đóng Bảo hiểm: Không phải lúc nào lương mình bao nhiêu công ty sẽ đóng bảo hiểm bằng đó. Cái này các bạn nữ chú ý hơn vì liên quan đến các vấn đề sinh đẻ, chế độ.
- Các loại phụ cấp – trợ cấp: Nên chú ý xem nó đã được trừ vào lương hay tính riêng nhé
- Thu nhập tính theo năm: Có nhiều công ty lương thì vừa phải nhưng lại có các khoản thưởng dự án, thưởng thặng dư, thưởng KPI khá hậu hĩnh. Nếu thưởng tốt bù vào lương thì cũng là 1 điểm đáng cân nhắc.
3. Hỏi rõ HR về quy trình phỏng vấn
Cái này bạn nên hỏi ngay khi nhận được mail/điện thoại phỏng vấn lần đầu tiên. Lưu ý hỏi rõ về số vòng, hình thức và nội dung từng vòng nữa. Biết trước mà chuẩn bị sẽ khiến mình tự tin hơn. Có lần mình bị dính quả ngay buổi đầu đã làm combo PV tiếng Anh + test chuyên môn, hoảng luôn chỉ lắp bắp được My name is…
Khi đi phỏng vấn
1. Những thứ cần chuẩn bị:
- Luôn đến sớm hơn giờ hẹn khoảng 10-15′ để lấy tinh thần, cảm giác đến sát giờ/đến muộn xong lễ tân lùa vào phỏng vấn ngay lúc mình còn đang thở hộc hộc rất là củ chuối, với HR/người phỏng vấn khó tính họ còn đánh giá mình là người không có kế hoạch. Bình tĩnh đến, uống cốc nước rồi vào tự tin “chặt chém” thôi.
- Mang theo CV và giấy tờ tùy thân (đặc biệ ở các công ty lớn): CV thì thật ra cầm cho đỡ trống tay chứ hầu như HR người ta in cho rồi, nếu cần thì trong email họ sẽ nhắc. Còn giấy tờ tùy thân là vì các công ty lớn, nhất là công ty công nghệ không có giấy tờ tùy thân khó vào cổng lắm. Nghe hơi ngớ ngẩn nhưng hồi sinh viên ad bị thế này 1 lần, đến nơi PV rồi mà lóng ngóng không làm thế nào lên được tầng trên.
- Trang phục: Gọn gàng, lịch sự thôi. Cái này cũng tùy văn hóa công ty, nhưng tốt nhất nên lịch sự 1 chút. Áo phông có cổ – quần tây/quần bò không rách – đi giày là một lựa chọn tốt mà k quá formal. Nếu công ty có yêu cầu riêng thì bạn nên tuân thủ nhé.
2. Các lưu ý khi phỏng vấn:
- Trả lời thành thật: Có một lỗi nhiều bạn thường gặp là hay phóng đại những gì mình có để được nhận. Nếu may mắn bạn có thể qua vòng PV, nhưng khi làm thật thì thực sự là cực hình, vì những gì bạn nói và những thứ có thể làm hóa ra lại khác xa nhau. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong lĩnh vực A, tối đa bạn chỉ nên phóng đại lên khoảng 10-20% thôi, đừng có cho mồm đi chơi xa. Người tinh tường người ta hỏi test thêm 1-2 câu là lòi đuôi ngay.
- Không bao giờ chỉ trả lời là “Không biết“: Mặc dù không biết thì bảo là không biết, nhưng đừng bao giờ chỉ dừng lại ở đó. Hãy thêm một lý do vào đó: “Em không biết vì ở công ty cũ có bộ phận riêng để xử lý phần này”, “Em không rõ nhưng có tìm hiểu qua và nắm được căn bản”, “Em không thông thạo vì trước đây chưa được vận dụng nhiều, nếu có cơ hội làm quen thì em sẽ tiếp thu nhanh thôi”… Đấy, nghe thuyết phục và đầy tinh thần cầu tiến không???
- Mạnh dạn hỏi HR các thông tin chi tiết dự án, lương thưởng: Tuyệt đối không được ngại hay sợ người ta đánh giá mà không dám hỏi. Về dự án, hỏi kĩ xem có bao nhiêu người, quy trình như thế nào, nếu cảm thấy quá lởm khởm thì thôi bỏ qua (Kiểu không có tester, không có Source Control, Dev lại làm kiêm cả tạp vụ…). Về lương thưởng, hỏi thật kĩ, phần nào không hiểu hỏi ngay, cách tính KPI, lương thưởng, nghỉ phép như thế nào. Nếu không nhớ hết nên nhắc HR gửi lại email chi tiết, đừng nhận việc rồi mới lầm bầm công ty trí trá…
Ngại 1 lần là lỡ dở 1 đời đấy nhé.
- Cách deal lương: Deal lương cần dựa trên những cơ sở vững chắc (tham khảo bạn bè, mức lương cũ…) và nằm trong 1 khoảng ưa thích để HR bàn bạc và offer. Ví dụ bạn mong muốn lương khoảng 10tr, nên mạnh dạn đề xuất lương 12 – 15tr để deal xuống là vừa. Đôi khi sau khi PV HR có gọi/mail lại và báo mức lương bạn đề xuất quá cao, công ty chỉ có thể trả XXtr (thấp hơn cả mức bạn mong muốn), nếu bạn cảm thấy phần phỏng vấn của mình tốt, đừng ngại cứng lên một chút và từ chối/tỏ ra cần suy nghĩ một cách ngập ngừng. Chiến thuật này đôi khi có thể thành công đấy.
- Phỏng vấn thêm 2-3 công ty khác: ngoài việc tìm một môi trường phù hợp, phỏng vấn thêm 1 vài công ty khác cho bạn cơ sở để so sánh, thậm chí để nói với HR bên công ty mình thích rằng: “Bên A offer cùng vị trí với mức lương này, nếu bên mình offer tăng lên như vậy em muốn làm bên mình hơn vì em thích môi trường/văn hóa công ty mình”. Nói chuyện một cách thẳng thắn, không ai đánh giá bạn vì điều đó cả (nếu quá thì nhỏ mọn quá).
- Đối với câu hỏi “Tại sao nghỉ việc ở công ty cũ?”: Đây thực sự là một câu trả lời nhạy cảm mà có lúc mình nên nói thật, có lúc không. Ví dụ lý do bạn nghỉ việc khách quan kiểu: Công ty nợ lương, xù lương… thì cứ tự tin nói thật, vì những lý do đó chẳng ai đánh giá cả. Nhưng những lý do kiểu: Cãi nhau với sếp, ghét đồng nghiệp, công việc áp lực… thì theo ad không nên thẳng thắn quá. Đôi khi bạn không sai, nhưng HR có thể suy nghĩ lệch hướng thành bạn là người không chịu được áp lực, không thân thiện/hòa đồng với mọi người, nói xấu công ty cũ… Tốt nhất cứ trả lời mình “muốn tìm kiếm một cơ hội mới phù hợp hơn, học được nhiều thứ hơn…”.
Tạm kết
Trên đây là một số kinh nghiệm chung khi đi phỏng vấn ứng tuyển của mình. Hy vọng các bạn thấy hữu ích.
Trả lời