Sinh Viên IT Nên Chuẩn Bị Gì Khi Đi Xin Việc
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Sau những năm miệt mài đèn sách, à IT thì miệt mài chọt phím mới đúng chứ, chắc hẳn lúc ra trường mỗi chúng ta đều muốn tìm cho mình một công việc phù hợp với mức thu nhập ổn định cho bản thân. Song nhiều bạn sinh viên ngành lập trình vẫn chưa biết mình cần những gì để có thể đi xin việc.
Vậy ở bài viết này mình sẽ chia sẻ những điều các bạn nên làm để đi xin việc được tốt nhất.
Kiến thức
Đây chắc chắn là điều quan trọng nhất. Những năm tháng học đại học, bạn đã được chuẩn bị nền tảng và kiến thức cơ bản để làm việc. Vậy chắc chắn rằng bạn phải nắm chắc những kiến thức đó.
Khi chuẩn bị ra trường và đi xin việc, bạn cần có những định hướng cho bản thân có thể là front-end developer, back-end developer, full-stack,… Đối với mỗi định hướng, bạn cần chuẩn bị đủ những kiến thức về mảng đó. Ví dụ như front-end bạn cần nắm chắc: HTML, CSS, Javascript,… hay back-end bạn chọn theo C#/.NET thì cần phải nắm chắc những kiến thức về chúng. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị những kiến thức chung về lập trình. Điển hình như lập trình hướng đối tượng (OOP), theo mình thấy đây gần như là câu hỏi mà mọi nhà tuyển dụng sẽ hỏi (lúc trước mình cũng đã được hỏi rồi).
Một số công ty phỏng vấn sẽ yêu cầu bạn giải quyết các bài toán ngay tại khi phỏng vấn có thể như: đưa ra thuật toán, giải một bài toán (code tay luôn nhé, hoặc có thể code trên máy), hay tối ưu một câu lệnh SQL,…
Kiến thức là quan trọng nhất, vậy bạn hãy nắm chắc những kiến thức liên quan đến định hướng của bạn.
Ngoại ngữ
Chắc chắn rằng, trong 1000 bài viết cho sinh viên lời khuyên thì 1001 người sẽ khuyên các bạn trau dồi ngoại ngữ.
Đây là một điều rất quan trọng, ngành IT rất coi trọng ngoại ngữ. Khi còn là sinh viên bạn hãy tranh thủ học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Bạn có khả năng ngoại ngữ thì bạn cũng đã có ưu thế hơn, đặc biệt là về lương và cơ hội trong tương lai.
Sinh viên IT, thường lơ là ngoại ngữ, mà hiện tại các công ty tuyển nhân viên gần như mặc định bạn phải đọc hiểu tiếng Anh được. Hãy bỏ thời gian ra, lên một kế hoạch để học khi bạn còn có thời gian, khi đi làm thực sự bạn rất khó có thể sắp xếp thời gian để học ổn định. Hãy học giao tiếp căn bản trước, rồi học tiếng anh chuyên ngành, có một số bạn có thể học tiếng Nhật, tiếng Hàn. Nắm được tiếng Anh là bạn đã nắm được cả một kho tàng kiến thức. Gần như các lập trình viên đã đi làm, khi search một vấn đề họ luôn search bằng tiếng anh và tìm hiểu trên các trang nước ngoài.
Nhớ nhé, ngoại ngữ rất quan trọng hãy học khi bạn còn cơ hội.
Hồ sơ xin việc
Hồ sơ xin việc bao gồm rất nhiều thứ như: sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, CV, giấy khám sức khoẻ, bằng cấp – chứng chỉ,… Nhiều công ty sẽ cho bạn nộp hồ sơ online trước, nhưng bạn nên chuẩn bị 2-3 bộ hồ sơ giấy nhé. Nên nhớ bạn phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của công ty bạn ứng tuyển.
CV có lẽ là điều khiến nhiều bạn đau đầu nhất, bởi vì …
Bạn không biết phải trình bày CV như thế nào để đạt yêu cầu. Hiện tại trên mạng có rất nhiều trang tạo CV online bạn có thể lên đó chọn mẫu, tham khảo một số mẫu CV xin việc của IT trước. Về mình thì mình nghĩ nên có đủ các mục về bản thân, học vấn,… như trong các bản CV mẫu. Nhưng nổi bật nhất và sẽ được chú ý nhiều nhất chính là phần kinh nghiệm – dự án đã làm. Bạn nêu nêu rõ các project bạn đã từng làm, mô tả khái quát về dự án đó làm gì, dùng công nghệ như thế nào, bạn thực hiện công việc chính gì trong đó. Thường người phỏng vấn sẽ nhìn vào phần này để đánh giá và đưa ra câu hỏi phù hợp cho bạn. Bạn có thể list ra một danh sách các ngôn ngữ, framework, IDE và số năm kinh nghiệm bạn đã dùng chúng. Theo mình, bạn nên viết CV bằng tiếng anh để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình. Mình đã từng nhận CV của những bạn sinh viên toàn tiếng Việt, không trau truốt, nhìn không muốn đọc luôn. Hơn nữa khi gửi mail cho nhà tuyển dụng bạn nên cần trình bày rõ ràng, ngắn gọn, không quá lan man, nếu các bạn chưa biết cách gửi một mail như thế nào thì comment dưới bài viết này mình sẽ hướng dẫn nhé.
Bạn hãy nhớ hồ sơ xin việc rất quan trọng, nó đóng góp quyết định một phần bạn có được nhận vào làm hay không.
Chủ động tìm công ty – tìm việc
Ở thời điểm bạn gần ra trường và muốn có việc làm, bạn nên chủ động đi tìm việc. Hiện nay với sự phát triển của internet thì việc tìm việc trên mạng không khó. Bạn có thể tìm kiếm việc qua các nguồn như: các group công nghệ trên facebook (mình thấy các bạn HR các công ty đăng tuyển nhân viên rất nhiều trong này), Linkedin,…
Hãy chủ động tìm hiểu về công ty bạn muốn ứng tuyển ví dụ về văn hoá, chế độ đãi ngộ, khả năng phát triển lâu dài như thế nào. Bạn hãy so sánh giữa một số công ty để chọn ra những công ty phù hợp với bạn nhất, rồmới ứng tuyển. Đặc biệt các công ty lớn, có bề dày phát triển bạn nên tìm hiểu lịch sử hình thành, văn hoá công ty, có thể là một điểm cộng lớn khi bạn đi phỏng vấn.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo ý kiến của những người đi trước về những công ty mà họ biết, nhưng chỉ nên tham khảo thôi nhé.
Nên lượng sức mình
Bạn hãy chọn những công ty phù hợp với năng lực của bản thân mình. Nhà tuyển dụng cũng chỉ tuyển người phù hợp với công ty họ.
Nhiều bạn sinh viên cầm tấm bằng giỏi, xuất sắc và đặt ra hàng tá yêu cầu với nhà tuyển dụng: lương phải cao, nghỉ mát năm 2 lần, bảo hiểm,… Đây là một điều không nên, bạn mới ra trường có thể tấm bằng rất đẹp nhưng bạn đã có kinh nghiệm làm việc đâu. Bạn phải đi làm phải chứng mình được năng lực thì bạn mới có thể đưa ra yêu cầu xứng đáng. Có câu “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, hiểu bản thân, hiểu nhà tuyển dụng chắc chắn bạn sẽ thu hút được mọi nhà tuyển dụng mà bạn hướng đến.
Thời điểm mới ra trường, đừng nên đòi hỏi mà thay vào đó, bạn hãy lựa chọn thực tập hoặc làm việc On Job Training cũng sẽ tích lũy cho bạn rất nhiều năng lực và kinh nghiệm trước khi bắt đầu cập bến chính thức một công ty nào đó.

Chuẩn bị thật kỹ cho buổi phỏng vấn
Rất nhiều bạn sinh viên khi đi phỏng vấn thường không chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn, công việc của bạn nên hãy chú trọng vào buổi phỏng vấn đó.
Bạn nên làm nhưng việc sau trước khi đi phỏng vấn:
- Ôn lại kiến thức để phỏng vấn, bạn có thể tham khảo một số câu hỏi phỏng vấn phổ biến cho sinh viên mới ra trường trên internet. Hãy yên tâm với sinh viên mới ra trường họ sẽ không hỏi vấn đề cao siêu gì nhiều đâu.
- Chuẩn bị kỹ càng mọi hồ sơ cần thiết.
- Tập thử tự phỏng vấn trước gương hoặc nhờ bạn bè mình, bạn soạn ra những câu hỏi, tự trả lời trước gương hoặc với bạn bè để tạo nên sự tự tin, và cách nói chuyện thật tốt.
Khi đi phỏng vấn
Khi bạn tham gia phỏng vấn bạn hãy lưu ý những điểm sau đây:
- Bình tĩnh trong quá trình phỏng vấn, mất bình tĩnh có thể dẫn đến kết quả không tốt.
- Trang phục lịch sự, nói chuyện vừa phải với nhà tuyển dụng, khi bước vào phòng phỏng vấn hãy cúi đầu nhẹ và chào. Sẽ giúp bạn tự tin hơn và phần nào ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
- Khi trả lời phỏng vấn, nếu không biết thì hãy thành thật nói mình không biết với cách nói có thể như sau “Dạ thưa anh, vấn đề này em chưa có cơ hội để tìm hiểu qua, em sẽ tìm hiểu nó trong thời gian tới.” Không nên nói thẳng thừng là “Em không biết!”. Bạn nên nhớ những người phỏng vấn bạn họ đã phỏng vấn hàng trăm, hàng ngàn người khác, nên không thể chém gió trước mắt họ đâu, thường phỏng vấn sẽ có thể có sếp, thêm vài PM, techtical, toàn chuyên sâu công nghệ cả, nên cứ thành thật sẽ nhận khoan hồng 🙂
- Hãy luôn thể hiện mình là một người có tình thần học hỏi, không ngại khó không ngại khổ. IT là một trường làm việc tập thể nên bạn hãy cố gắng thể hiện năng lượng và tinh thần làm việc nhóm nhé.
- Và hãy nói lên bạn rất mong muốn được có cơ hội thử sức làm việc tại công ty, và bạn là một người có đam mê và trách nhiệm với công việc.
Có rất nhiều bài viết về kỹ năng phỏng vấn, bạn hay dành chút thời gian tham khảo chúng và rút ra bài học cho bản thân để có thể áp dụng khi bạn đi phỏng vấn nhé.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ của bản thân mình, dựa trên góc nhìn của mình, có thể còn nhiều thiếu sót, các bạn có thể đóng góp ý kiến thêm. Hi vọng, những chia sẻ trên sẽ phần nào giúp các bạn sinh viên lập trình tự tin hơn sau khi ra trường và đi xin việc. Bạn nào muốn trao đổi thêm có thể để lại bình luận ở dưới nha.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi! Cho mình 5 sao nhé!
Nguồn: codelearn.io
Leave a Reply