Sinh Viên IT Và Việc Đi Làm Sớm
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Nhiều bạn sinh viên hay hỏi tôi, sinh viên CNTT nên đi làm trước khi ra trường hay không? Nếu có thì nên là năm mấy và chọn công ty như thế nào? Là một người làm việc nhiều năm và hiện tại cũng đang ở trong vai trò tuyển dụng và đào tạo nhân sự, cá nhân tôi cho rằng câu trả lời nên là có.Tất nhiên cũng có lí do để phản biện và không đồng ý với câu trả lời này, do đó xin nói rõ đây là bài viết thể hiện ý kiến và quan điểm cá nhân của riêng tôi.
Đi làm sớm – Tốt và không tốt?
Bản thân chính tôi cũng đi làm từ năm thứ 2, khi mới chỉ nắm tương đối 2 môn là lập trình C++ và cấu trúc dữ liệu giải thuật. Hiện tại là 12 năm sau quãng thời gian đi làm đó, tôi vẫn luôn cho rằng đó là 1 sự lựa chọn đúng và hạnh phúcThời điểm tôi đi làm, bạn bè và thầy cô đều biết cả. Có lẽ cũng giống như bây giờ, họ chia ra 2 nhóm rõ rệt: một nhóm ủng hộ và một nhóm phản đối. Bạn bè có những người hâm mộ, hỏi tôi cách để ứng tuyển, xin đi làm, cũng có người thì dè bỉu, bảo tôi mua việc vào người. Thầy cô có thầy thì rất ủng hộ, hứa sẽ tạo điều kiện về thời gian, bài tập để tôi có thể học tập và làm việc song song. Tuy nhiên cũng có thầy không hài lòng, gọi tôi ra một góc để yêu cầu tôi tập trung vào việc học. Cá biệt có thầy còn lôi tôi ra làm ví dụ trước lớp (không nêu tên nhưng cả lớp đều biết là nói về đứa nào) để nhắc nhở cả lớp không nên đi làm sớm mà tập trung vào việc học.

Nhìn chung bất cứ việc gì trên đời đều có 2 mặt: tốt và xấu. Việc đi làm sớm có ưu điểm là giúp các bạn tiếp cận luồng kiến thức mới, phù hợp hơn với công việc và thị trường (nói thật là kiến thức các bạn học thì lỗi thời hơn bên ngoài vài năm), học được nhiều kĩ năng mềm (kĩ năng trình bày, quản lý thời gian, báo cáo, …) và có tính thực hành, ứng dụng thực tiễn hơn so với chỉ ngồi học. Tuy nhiên nhược điểm của nó là, nếu sao nhãng việc học, bạn có thể bị hổng kiến thức, những kiến thức mà sau này muốn có người giảng rất khó. Đặc biệt hơn, nếu bạn đi làm những ngành nghề không liên quan đến công việc của bạn đang học, thì đó thật sự là một thảm họa. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn đang học lập trình viên nhưng lại chạy grab hay bán quần áo (mình ko chê nghề này xấu, chỉ nói không phù hợp về mặt dài hạn thôi), thì những kiến thức từ cái nghề đem lại tiền cho bạn ấy (ngắn hạn) có giúp đỡ cho việc phát triển kiến thức trong tương lai hay không?
Xuất phát sớm trên chặng đua dài
Thiên về quan điểm nên đi làm sớm, mình cũng thấy rằng thời gian rảnh của mình ở thời sinh viên là khá nhiều.Hồi đó thời gian mình chơi điện tử online là khá lâu, chưa kể thời gian lang thang đi nhậu nhẹt, ngắm phố phường. Nếu tận dụng tốt thời gian này thay vào việc đi làm, bạn sẽ thấy mình trở thành một người có ích, có giá trị hơn. Tất nhiên nó đôi khi đồng nghĩa với việc bạn đánh mất thời trẻ chơi bời, hưởng thụ của mình. Nhưng thật ra mà nói, đi làm cũng có những thú vui chơi bời rất là cool ví dụ trà đá chém gió buổi trưa, lượn lờ quanh công ty ngắm trai xinh gái đẹp, đánh điện tử, uống cà phê, ….. Đi làm sớm, mình được gặp rất nhiều anh chị có kinh nghiệm, những người có thể dạy dỗ, chỉ bảo chúng ta, những người có thể cho ta thêm quan hệ để sau này làm những thứ lớn lao tất nhiên sau khi ra trường vẫn có thể quen biết, nhưng đi làm sớm sẽ được ưu ái, sẽ quen biết những người thành đạt sớm hơn.Tất nhiên đi làm sớm, bạn vẫn cần đảm bảo việc học của mình. Nó làm tăng thời gian làm việc mỗi ngày của bạn, tăng thời gian di chuyển và giảm thời gian thư giãn, nghĩ ngơi. Nhưng lợi ích là sau này lương bạn sẽ cao, công việc bạn sẽ tốt hơn những người khác. Giống như trong 1 cuộc chạy đua: cuộc chạy đua của những người mới tốt nghiệp trên con đường sự nghiệp, nếu bạn xuất phát sớm hơn, bạn sẽ có nhiều lợi thế.Có 1 điểm nếu bạn để ý các mẩu tuyển dụng ngày nay, đó là xu thế tuyển người đã có kinh nghiệm ngay cả khi bạn vừa mới tốt nghiệp. Lí do là các nhà tuyển dụng cho rằng những người đi làm sớm thường chăm chỉ, có định hướng, biết suy nghĩ cho tương lai hơn là phần còn lại. Nếu là bạn, bạn có thấy thế không?Với riêng tôi, tôi cho rằng học xong năm 2 hay năm 3, khi đã thành thạo 1 ngôn ngữ OOP, thuật toán, 1 chút về database kèm thêm việc tự làm 1 vài project nho nhỏ, là bạn đã đủ điều kiện và khả năng để đi làm. Ngày nay dễ hơn thời của tôi gấp 100 lần, với từng kia kiến thức, bạn dễ dàng xin thực tập ở một công ty phần mềm có uy tín.
Kỹ năng mềm rất quan trọng
Tuy nhiên, những gì tôi vừa liệt kê ở trên chỉ là phần kỹ năng cứng. Bạn có biết một sự thật rằng, rất nhiều hội nhóm nhỏ của tôi, than phiền về kĩ năng mềm và thái độ của sinh viên (nói chung) ngày một nhiều. Có vẻ là ngày nay có nhiều công việc, có nhiều công ty hơn, khiến bạn có nhiều lựa chọn và ko quyết tâm gắn bó với công việc hay công ty nào đó. Cũng có nhiều bạn có sẵn trong mình tính cách “cả thèm chóng chán” hoặc chưa sẵn sàng với một cuộc sống kỷ luật, nghiêm túc và có trách nhiệm của một người trưởng thành. Nếu bạn dính phải những lỗi trên, bạn không nên đi làm sớm, nó có thể khiến bạn trải qua một thời kì đi làm sớm tệ hại (với nhiều kỉ niệm xấu đầu đời), hoặc sẽ khiến nhà tuyển dụng thất vọng hoặc đưa bạn vào danh sách xấu.

Tôi luôn thích 1 câu chia sẻ của JackMa. Ông cho rằng dưới 30 tuổi, chúng ta làm ở đâu cũng được. Công ty to cho ta kiến thức, quy trình, công ty nhỏ thì giúp chúng ta nuôi dưỡng đam mê, tham vọng. Dù chọn bất cứ công ty nào, thì hãy nghĩ kĩ và trung thành với công ty đó, ít nhất là trong vòng 3 tới 6 tháng. Hãy đặt địa vị là bạn, bạn có muốn đào tạo, truyền thụ kiến thức, nâng đỡ những bạn trẻ chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng lại sẵn sàng rời bỏ mình chỉ sau 1-3 tháng hay không? Đó là 1 sự lãng phí tiền bạc, vật chất, thời gian, và trên hết là sự lãng phí về tâm huyết và niềm tin.
Tạm kết
Và cuối cùng, sau khi bạn đọc xong bài viết này, nếu bạn có mong muốn trở thành 1 lập trình viên giỏi, bạn có thể liên hệ với tôi để tìm kiếm 1 cơ hội thực tập ở codeLearn. Đúng như chia sẻ, chỉ cần bạn nắm vững các kiến thức cơ bản, nhưng cần thiết nhất là trách nhiệm, đam mê và quyết tâm, tôi chắc chắn sẽ giúp được bạn.
Nguồn:codelearn.io
Leave a Reply